Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Phương pháp mới chẩn đoán sớm ung thư vòm mũi , họng

 
Ở nước ta, ung thư vòm mũi, họng và ung thư khoang miệng hiện là bệnh khá phổ biến, đứng hàng đầu trong các bệnh ung thư đầu mặt cổ. Trong số đó nhiều bệnh nhân ung thư khoang miệng ở lứa tuổi còn trẻ. đó là lý do mà Ung thư khoang miệng trong cộng đồng hiện đang được Dự án quốc gia phòng, chống ung thư triển khai sàng lọc và phát hiện sớm bệnh, bên cạnh các loại ung thư vú, ung thư cổ tử cung đã được tiến hành sàng lọc, phát hiện sớm từ năm 2008. Sự phối hợp của công nghệ đặc biệt là pet/ct chẩn đoán, hỗ trợ phát hiện sớm và điều trị hiệu quả ung thư khoang miệng, ung thư vòm mũi, họng và các ung thư khác.

Triệu chứng 'mượn' của các bệnh lý khác

TS Lê Chính Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân ung thư vòm mũi, họng được điều trị tại Trung tâm với nhiều lứa tuổi khác nhau, trẻ nhất là sáu tuổi, già nhất là 87 tuổi. Ung thư vòm mũi, họng thường không có những triệu chứng đặc biệt, mà là triệu chứng 'mượn' của các bệnh lý khác, nên phần lớn các bệnh nhân đều đi khám nhiều nơi vẫn không được chẩn đoán chính xác. Các triệu chứng của ung thư vòm mũi, họng thường nhầm lẫn với các bệnh lý khác như viêm mũi, viêm họng, mắt, thần kinh... Bệnh nhân thường đến khám bệnh khi ở giai đoạn đầu có các triệu chứng chính tai, mũi, họng là chảy máu mũi, khạc ra máu, ù tai, đau tai; triệu chứng hạch cổ, thường nằm ngay dưới tai hoặc góc hàm và triệu chứng thần kinh: nhức nửa bên đầu, lé (lác) mắt. Ung thư khoang miệng có những dấu hiệu ban đầu là miệng xuất hiện vết lở loét lâu lành, thỉnh thoảng có chỗ sùi trong khoang miệng nhưng bị bỏ qua bởi nhiều người cho là bị... nhiệt miệng. Nhiều trường hợp đến bệnh viện muộn khi bệnh đã bước sang giai đoạn khu trú hoặc giai đoạn toàn phát, khi đó bệnh nhân nhức đầu nhiều hơn, mắt lồi, hạch cổ to..., ung thư lan rộng tại chỗ, di căn vào hạch cổ, xâm lấn nền sọ hoặc nội sọ, muộn hơn nữa là di căn đến các cơ quan khác như phổi, gan, xương.

Bác sĩ Trần Hải Bình, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu cho biết, trong thực hành lâm sàng, nếu chỉ dựa vào các kỹ thuật chẩn đoán thông thường như siêu âm, chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ..., chúng ta có thể gặp một số trường hợp ung thư nhưng chưa rõ ổ nguyên phát. Nguyên nhân là do chỉ tổn thương di căn được phát hiện trong khi khối u nguyên phát còn quá nhỏ. Rất nhiều trường hợp bệnh nhân có biểu hiện di căn rất rõ nhưng vị trí tổn thương nguyên phát không tìm thấy được, điều này gây cản trở đến chiến lược điều trị và rõ ràng là hiệu quả điều trị không cao, tỷ lệ tử vong cao và thời gian sống thêm thấp.

PET/CT chẩn đoán khá chính xác tổn thương

Bác sĩ Trần Hải Bình cho biết, những bệnh nhân được chẩn đoán là ung thư chưa rõ nguyên phát, chúng tôi quyết định chụp PET/CT đối với bệnh nhân này tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu. PET/CT được sử dụng chẩn đoán và phát hiện sớm ung thư cho hơn 600 bệnh nhân ung thư ở Trung tâm, trong đó có 30 bệnh nhân ung thư vòm mũi, họng. Bệnh nhân Nguyễn Thị B., 48 tuổi, chẩn đoán ung thư biểu mô di căn hạch cổ chưa rõ nguyên phát, với kết quả nội soi vòm họng và CT không phát hiện thấy tổn thương. Nhưng qua kết quả sử dụng PET/CT, bệnh nhân được chẩn đoán là ung thư vòm họng di căn hạch cổ hai bên. Từ đó, việc lập kế hoạch xạ trị chính xác hơn và mang lại hiệu quả cao hơn. Ghi hình bằng máy PET/CT đã giúp ích rất nhiều trong việc chẩn đoán, phát hiện tổn thương ung thư nguyên phát một cách chính xác, nhanh chóng, hiệu quả mà các xét nghiệm khác như CT, MRI... chưa phát hiện được.

Theo PGS.TS Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Trung tâm đưa hệ thống máy PET/CT của hãng Siemens (Đức) vào hoạt động, mô phỏng để lập kế hoạch xạ trị trên máy gia tốc cho bệnh nhân ung thư từ tháng 8-2009. Việc sử dụng hình ảnh PET/CT để lập kế hoạch xạ trị (PET/CT mô phỏng) cho máy gia tốc tuyến tính với kỹ thuật 3D và xạ trị điều biến cường độ (IMRT) là đỉnh cao của kỹ thuật xạ trị với máy gia tốc tuyến tính lần đầu tiên triển khai ở Việt Nam cho bệnh nhân ung thư. Kỹ thuật PET/CT mô phỏng trong lập kế hoạch xạ trị đã ứng dụng thành công ở các nước phát triển như Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc... Việt Nam là một trong số các nước trong khu vực châu Á thực hiện tốt kỹ thuật này.

Sử dụng hình ảnh PET/CT để làm mô phỏng trong xạ trị giúp xác định được thể tích khối u sinh học và thể tích đích sinh học cần xạ trị. Việc ứng dụng kỹ thuật IMRT cho phép tập trung liều bức xạ cao nhất vào tổn thương (khối u, hạch) và thấp nhất vào tổ chức lành chung quanh (cơ quan cần bảo vệ). Xạ trị điều biến liều thay vì đưa vào bằng những liều xạ đồng đều, thì phương pháp này có vùng tia liều xạ cao, vùng tia liều xạ thấp.

Phát hiện sớm, hiệu quả điều trị cao

GS,TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết, ung thư khoang miệng là loại ung thư hay gặp của vùng đầu mặt cổ, liên quan nhiều tới hút thuốc lá, ăn trầu, uống rượu... Thói quen hút thuốc lá, uống rượu và thiếu vệ sinh răng miệnglà các nguyên nhân chính gây ra căn bệnh này. Để có thể phát hiện sớm nên quan sát khoang miệng qua soi gương mỗi khi vệ sinh (đánh răng hằng ngày). Khi thấy những vết, mảng hơi đỏ hoặc trắng ở niêm mạc miệng hoặc vết thương ở khoang miệng khó liền hoặc chảy máu ở khoang miệng hoặc vết loét, những nốt sủi hoặc há miệng bị hạn chế hoặc sờ thấy u, cục bất thường vùng đầu cổ cần đến khám chuyên khoa.

Thông tin từ hội thảo quốc gia phòng, chống ung thư vừa diễn ra cho thấy, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có 75.000 người tử vong do bệnh ung thư, trong khi một phần ba số ca ung thư có thể dự phòng, một phần ba có thể điều trị khỏi nếu phát hiện sớm và một phần ba có thể kéo dài sự sống. Trong khi đó, theo TS Lê Chính Đại, Phó giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, ung thư vòm mũi, họng và ung thư khoang miệng xuất hiện nhiều ở châu Á. Việt Nam là nước thuộc nhóm các nước có tần suất mắc các bệnh này cao trên thế giới. Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng hơn hai nghìn trường hợp ung thư vòm mới mắc và hơn một nửa số đó tử vong vì căn bệnh này.

Theo các chuyên gia phòng, chống chung cho tất cả ung thư là phải có chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý, tránh các chất độc hại, ô nhiễm môi trường. Nên đi khám kiểm tra ung thư khoang miệng ba năm một lần đối với người hơn 20 tuổi và hằng năm đối với những người hơn 40 tuổi, đặc biệt những người hút thuốc lá, thuốc lào. Cần lưu ý rằng ung thư vòm mũi, họng có những biểu hiện không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý liên quan đến vùng mũi, họng. Vì thế, khi có triệu chứng nhức đầu lan toả, âm ỉ, nghẹt mũi, chảy mũi lẫn máu, ù tai, nghe kém, có hạch cổ... cần phải khám chuyên khoa sớm để nội soi mũi sau phát hiện khối u. Nếu nghi ngờ ung thư, phải bấm sinh thiết để có kết quả xác định. TS Lê Chính Đại đánh giá, sự phối hợp hoá chất, xạ trị điều biến liều, các máy móc công nghệ hiện đại như chụp X-quang, chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ, PET/CT... hỗ trợ phát hiện sớm và điều trị ung thư mang lại kết quả khả quan. Việc điều trị ung thư vùng đầu mặt cổ như ung thư vòm mũi, họng và ung thư khoang miệng nhìn chung là có tiên lượng tốt, nếu được phát hiện sớm bằng công nghệ chẩn đoán PET/CT.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét